Những điều răn dạy đó theo năm tháng đã khắc sâu vào tâm khảm, trở thành tính cách sống của các võ sinh Judo.
 |
Tổ sử Jigoro Kano sáng lập Judo vào năm 1882 tại Tokyo Nhật Bản |
Trước khi tìm hiểu về Minh triết trong Judo, chúng ta cần hiểu nghĩa Minh triết là gì?
Nhiều học giả cho rằng định nghĩa về Minh triết rất khó, bởi Minh triết mang ý nghĩa rộng lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trường Đại học tổng hợp Chicago (Hoa Kỳ) là một trong những trường Đại học tại Mỹ có phân khoa về Minh triết (Wisdom) đã đưa ra "Dự án đề tài định nghĩa Minh triết" với kinh phí trợ cấp 2.000.000 USD. Học giả bất cứ nước nào đều có thể tham dự. Vào quý II năm 2008, Trung tâm nghiên cứu Minh triết Việt Nam có buổi sinh hoạt học thuật liên quan đến nội dung dự án Minh triết của trường đại học Chicago. Các bài tham luận của các học giả Việt Nam trong buổi sinh hoạt này khi định nghĩa về Minh triết cũng có tính chất tổng thể là Chân Thiện Mỹ, là nhận thức, là đạo đức. Nhiều học giả còn cho rằng Minh triết đến từ sự sống, đến từ trải nghiệm sự thành bại của chính bản thân mình. Còn Tự điển Việt Nam định nghĩa: Minh triết là rõ ràng và sáng sủa. Theo Bách khoa toàn thư, Minh triết là khôn ngoan, kiến thức và trí tuệ.
Chắt lọc từ những định nghĩa trên, chúng ta có thể tìm ra trong môn võ Judo tiềm ẩn rất nhiều điều mang tính Minh triết.
***
LÒNG THIỆN LƯƠNG, TRÍ TUỆ VÀ TẦM NHÌN SÂU RỘNG CỦA TỔ SƯ KANO
Tổ sư Jigoro Kano sinh năm 1860, lúc nhỏ Ngài là một cậu bé thông minh nhưng thể chất ốm yếu, hay bị kẻ khác bắt nạt. Năm lên 10, trong một trận bóng đá, Ngài bị những tên côn đồ vây đánh đến ngất xỉu, từ đó Ngài nung nấu một ý định học võ để tự vệ. Nhưng mãi đến năm 17 tuổi, trong thời gian bắt đầu theo học hai ngành chính trị và kinh tế ở trường Đại học Tokyo, Ngài mới có duyên thụ giáo môn võ JUJITSU. Đến năm 22 tuổi, Ngài đã trở thành một môn đồ xuất sắc của môn võ nhu thuật này. Với sự thông minh bẩm sinh, với kiến thức của một sinh viên đại học, và cả tấm lòng thiện lương, Tổ sư nhận thấy các đòn thế trong môn võ mình đang theo học thiên về bẻ tay, bẻ cổ và những kỹ thuật nguy hiểm khác rất dễ gây tổn thương đến cơ thể người tập luyện, nên Ngài cùng với vài người bạn tập rời võ đường, lui về dành thời gian thực hiện một cuộc nghiên cứu toàn diện về môn võ Nhu thuật xa xưa này. Tổ sư loại bỏ những đòn nguy hiểm, tích hợp và hệ thống lại những kỹ thuật đơn giản, an toàn, khoa học, dễ phổ biến để lập ra một môn võ mới mang tên là JUDO. Theo tiếng Nhật, JU là nhu hòa, mềm mại, DO là đạo, là đường lối, là mục đích. Như vậy JUDO là đường lối rèn luyện thể chất và tinh thần con người thông qua nguyên lý mềm mại, dùng nhu thắng cương, lấy yếu chống mạnh. Từ đó môn Judo được nhiều người theo tập luyện với Tổ sư, thời gian sau trở thành môn quốc võ của Nhật Bản.
Khi tốt nghiệp đại học, và sau Đại học, Tổ sư làm giảng viên, rồi làm Trưởng khoa Sư phạm Đại học Tokyo. Năm 1887, Tổ sư Kano đặt ra 3 mục tiêu lớn cho môn Judo:
- Giáo dục thể chất.
- Thi đấu hiệu quả.
- Rèn luyện tinh thần.
Năm 1909, Tổ sư Kano là người Châu Á đầu tiên được kết nạp vào Ủy ban Olympic. Khi đã là thành viên của Ủy ban Olympic, Tổ sư Kano nỗ lực không ngừng cho sự phát triển môn Judo ra thế giới. Sau khi Tổ sư qua đời (vào năm 1938), các học trò của Ngài vẫn nối tiếp cuộc hành trình của Thầy mình trong việc quảng bá Judo đến các châu lục. Nhờ vậy mà Liên đoàn Judo Quốc tế (IJF) được thành lập vào năm 1951. Đến năm 1964 môn Judo được đưa vào thi đấu chính thức tại Olympic Tokyo. Hiện nay Liên đoàn Judo Thế giới (IJF) đã có trên 170 nước thành viên, hằng chục triệu thanh thiếu niên nam nữ trên khắp năm châu theo luyện tập Judo hằng ngày, trong đó có giới trẻ Việt Nam.
Các thuật ngữ của môn Judo trong bộ luật thi đấu, cũng như tên gọi của hằng trăm kỹ thuật hiện nay đã trở thành ngôn ngữ quốc tế trên đấu trường Judo tại các Châu lục và Olympic.
Như vậy chúng ta có thể kết luận rằng, tư tưởng của Tổ sư JIGORO KANO kể từ lúc manh nha hình thành môn Judo, cho đến suốt cuộc đời của Ngài là đem kiến thức và trí tuệ để phổ biến môn võ thể thao mang nhiều lợi ích này ra toàn thế giới chính là tư tưởng của một bậc Minh triết.
3 MỤC TIÊU LỚN CỦA JUDO DO TỔ SƯ KANO ĐẶT RA:
1. Giáo dục thể chất
Hệ thống đào tạo trong môn Judo từ thấp lên cao rất qui mô và an toàn. Khi tập luyện Judo, các võ sinh được vận động toàn bộ sức lực lẫn tinh thần, điều này làm tăng cường sự trao đổi chất, thúc đẩy quá trình lưu thông máu, nâng cao chức năng tim mạch. Các võ sinh nhờ biết cách điều hòa hơi thở nên tối ưu hóa việc thông khí cho phổi. Từ đó tránh được các bệnh về đường hô hấp.
Các hoạt động trong các buổi tập Judo rất đa dạng nên giúp võ sinh tiêu hao năng lượng nhanh chóng, đốt cháy mỡ thừa, hỗ trợ giảm cân, vóc dáng mỗi ngày mỗi săn chắc. Các võ sinh nhờ thường xuyên tập luyện và thi đấu nên cơ thể cân bằng, tạo nên sự linh hoạt cho các khớp xương và cơ bắp, cải thiện hệ thần kinh và tăng cường trí nhớ. Do đặc thù của môn Judo là phải té ngã rất nhiều trong mỗi buổi tập, cứ mỗi lần té ngã là cả thân thể chấn động, điều này tạo ra một cuộc trao đổi chất kỳ diệu, hằng triệu triệu tế bào trong cơ thể tống các chất xỉ ra ngoài theo tuyến mồ hôi, hấp thụ lượng oxy rất lớn vào theo đường hô hấp, làm trẻ hóa các tế bào, nhờ vậy mà làn da của các võ sinh Judo luôn hồng hào, tươi sáng, con người luôn toát lên một sức sống dồi dào khỏe mạnh.
Chúng ta thường nghe câu "Một tinh thần minh mẫn chỉ có được trong một thân thể khỏe mạnh" sự minh mẫn của con người là một trong những đặc tính của Minh triết.
2. Thi đấu hiệu quả
Muốn thi đấu hiệu quả, võ sinh phải chuyên cần luyện tập nhiều về kỹ thuật thi đấu, nhưng quan trọng nhất là bài đấu tập (Randori) mỗi ngày. Mục đích của đấu tập là áp dụng kỹ thuật đã học với nhiều bạn tập khác nhau về mọi mặt như đẳng cấp, hạng cân, tính tình… Trước khi tham gia đấu tập, võ sinh phải có một số vốn kỹ thuật kha khá về liên phản đòn, nếu kỹ thuật không đa dạng, ta không thể thoải mái để thử nghiệm. Randori (đấu tập) là một trò chơi về kiểm soát giữa hai người, tức nhiên là có nhiều cách chơi, từ chơi cởi mở đến đối kháng gần như thi đấu, tùy theo chủ đề bài tập của huấn luyện viên đặt ra. Nhưng, điều chủ yếu là hai người phải học hỏi lẫn nhau trong quá trình tập luyện. Randori là sự nghiên cứu tương quan giữa hai người muốn tranh lấy phần thắng, họ phải sử dụng hết năng lực, phải chớp lấy mọi cơ hội, nên từ đó rút ra được những bài học giá trị cho bản thân, không chỉ ở trong phạm vi nhỏ hẹp ở võ đường mà còn đưa người võ sĩ ra một phạm vi vô biên của cuộc sống bên ngoài xã hội.
Khi Randori, hai võ sinh phải luôn ở trong trạng thái đương đầu trực diện với những đòn thế tấn công bất chợt, khó lường, cả hai phải vận dụng mọi khả năng suy đoán, quan sát, phân tích, phản xạ và trí óc luôn tập trung và tĩnh táo để tránh sai lầm. Từ thành quả này, các võ sinh sẽ dần dần nhận rõ các mặt đưa ta đến sự thành bại, không những trong đòn thế Judo mà còn để hoàn thiện bản thân mình trong mọi hoàn cảnh khó khăn sẽ gặp trong cuộc sống.
Nếu khi đấu tập ta gặp phải người nóng tánh, hung hăng, điên cuồng muốn dành ngay phần thắng, ta không nên dùng sức để chống lại với sức mà phải dùng chiến thuật mền dẽo, nhanh nhẹn để "quần" cho đối thủ tiêu hao dần năng lực, cho dịu bớt sự hung hăng, từ đó ta mới dùng đòn sở trường để hạ đối phương. Sự hữu dụng của chiến thuật này trong giao tế hằng ngày thật rõ. Ta dù nắm trong tay nhiều lẽ phải cũng không thể thuyết phục được một kẻ đang giận dữ điên cuồng. Tốt nhất là phải chờ đợi cho đối phương tiêu tan cơn giận mới nói chuyện phải trái. Bài học sáng suốt và kiên nhẫn này không thể đến ngay, nhưng chắc chắn sẽ đến sau một thời gian dài đấu tập Judo. Cũng theo cách suy diễn đó, một võ sĩ Judo nóng tính, bộp chộp chắc chắn sẽ thay đổi tính tình, bởi đó là nguyên nhân đưa mình đến nhiều lần thất bại.
Minh triết đến từ sự sống, đến từ trải nghiệm sự thành bại của chính bản thân mình là vậy.
Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công trong các giải đấu Judo đó là bộ luật thi đấu.
Kể từ khi môn Judo được du nhập và phổ biến vào Việt Nam (khoảng năm 1954) cho đến nay, bộ luật thi đấu Judo không ngừng đổi mới để hoàn thiện, nhất là khâu trọng tài và hệ thống chấm điểm. Từ thời có 3 trọng tài trên thảm đấu với 3 lá cờ biểu quyết sau khi hai vận động viên (VĐV) hòa điểm, sự biểu quyết này đôi khi rất cảm tính, đánh mất sự công bằng, cho đến cách cho điểm khá chủ quan của một vài trọng tài gây ức chế cho VĐV, gây tranh cải giữa các huấn luyện viên các đội với trọng tài, với Ban tổ chức giải… Đến nay Judo đã có một bộ luật thi đấu Quốc tế khá hoàn hảo, nhất là nhờ sự hỗ trợ từ hệ thống công nghệ thông tin. Việc tham khảo hình ảnh chiết xuất từ camera quay trực tiếp toàn bộ trận đấu được lưu lại trên màn hình lớn đặt ngay tại nhà thi đấu, đã mang lại sự chính xác rõ ràng trong điểm số. Sự công bằng rất thuyết phục trong kết quả của mỗi trận đấu, tạo nên niềm tin, sự hào hứng cho các VĐV lẫn khán giả.
Có được điều tốt đẹp này, là cả một quá trình trải nghiệm và đóng góp trí tuệ của tập thể các vị lãnh đạo trong Liên đoàn Judo các châu lục và thế giới. Trí tuệ, rõ ràng, minh bạch là những đặc tính của Minh triết
3. Rèn luyện tinh thần
Có rất nhiều bài học nhằm rèn luyện nhân cách, đạo đức và tinh thần thượng võ cho người theo học môn Judo. Trước khi đến võ đường, võ sinh phải chuẩn bị bộ võ phục sạch sẽ, móng tay móng chân cắt ngắn, đầu tóc gọn gàng, tuyệt đối không được mang đồ trang sức vào người khi lên phòng tập. Đồ trang sức mang trong người không những có nguy cơ gây thương tích cho người tập luyện, mà những quy định trên của môn Judo còn uốn nắn dần cho võ sinh tính sạch sẽ, gọn gàng, đức tính giản dị, không khoe khoang sự giàu có, điều này dễ hòa đồng với mọi người trong cuộc sống.
Trong một buổi tập Judo, người võ sinh phải cúi CHÀO rất nhiều lần: chào phòng tập, bởi phòng tập là nơi trang nghiêm, giống như "Thánh đường của tôn giáo". Chào phòng tập trước khi bước vào là cái chào nơi ta ngày ngày đến đây để tu luyện nhân cách, rèn luyện võ thuật. Chào di ảnh Tổ sư, chào để nhớ ơn người khai sinh ra môn võ Judo, rồi chào thầy cô, chào để luôn nhớ ơn người trực tiếp truyền thụ cho ta về võ học và võ đạo.
Khi tập với bạn, hai người phải cúi đầu chào nhau, tập xong phải chào nhau…Trong thi đấu cũng vậy. Trước khi đấu, hai VĐV chào Ban giám khảo, chào trọng tài, rồi chào nhau. Khi trọng tài tuyên bố kết thúc trận đấu, dù thắng hay thua hai đấu thủ phải chào nhau, đôi khi vì cảm phục đối phương, cả hai chủ động chạy đến ôm nhau. Cái ôm thân thiện, trong tinh thần thượng võ!.
Chào, chào và chào rất nhiều lần trong một buổi tập và trong thi đấu. Cúi đầu chào trong Judo là nghi thức bắt buộc, tuy vậy, nghi thức này qua nhiều năm tháng đã rèn luyện cho võ sinh đức tính khiêm nhường, khiêm nhường để học hỏi, để tránh sự lầm tưởng về bản thân. Mình giỏi có người giỏi hơn, tính tự cao là biểu hiện của sự nông cạn.
Khi người ta rót nước từ bình trà vào cốc, cốc muốn có nước trà phải luôn đặt thấp hơn bình trà. Người với người cũng vậy, muốn học hỏi tiếp thu được nhiều cái hay thì phải biết cúi mình, từ đó sẽ đón nhận nhiều hơn từ cuộc đời cả sắc thái lẫn tri thức.
Trong 3 tháng đầu tiên theo học môn Judo, các võ sinh đai trắng phải học thuộc nằm lòng bảng 10 Điều tâm niệm của võ đường, để chuẩn bị kỳ thi lên đai vàng. Các võ sinh khi thi xong kỹ thuật, thầy thường hỏi 3 trong 10 điều tâm niệm, chỉ trả lời sai một điều là võ sinh phải tiếp tục mang đai trắng, kỳ sau thi tiếp. Trong suốt thời gian tập luyện Judo, các thầy thường nhắc nhở cho võ sinh về ý nghĩa của 10 điều tâm niệm, nhất là điều thứ 6: Chỉ tự vệ trong trường hợp bị tấn công, nhưng luôn luôn dung thứ người thất thế. Các Thầy nói: Sử dụng đòn thế ngoài đường phố với những người chưa bao giờ tập Judo thì rất nguy hiểm, vì họ không biết cách té, nếu bị đánh té, họ có nguy cơ bị gãy xương, hoặc chẳng may đầu bị cắm xuống đường nhựa có thể bể sọ não, dẫn đến tử vong. Nếu khi ta vì tự vệ mà đánh té đối phương, đừng bao giờ để đầu họ chạm xuống mặt đường. Còn điều thứ 8 và 9: Nghe nói tư lợi thì ngoảnh mặt đi, khi bàn công ích thì băng mình tới. Thà chịu thiệt hại còn hơn làm điều hèn nhát bất công…
10 điều tâm niệm của Judo
1. Tôn trọng kỉ luật, nội quy nhà trường.
2. Kính thầy yêu bạn, bênh vực người yếu đuối.
3. Kính trọng các bạn trong môn phái võ nghệ khác.
4. Ngoài những trận đấu giao hữu, tuyệt nhiên không thách đấu với bất kì ai.
5. Thắng không kiêu, bại không nản, lúc nào cũng phải bình tĩnh.
6. Chỉ tự vệ trong trường hợp bị tấn công, luôn dung thứ người thất thế.
7. Luôn luôn tự rèn luyện để thân thể khỏe mạnh, tư tưởng ngay thẳng trong sạch khoan dung, tính nết nhẫn nhục, nhu hào và kiên trì.
8. Nghe lời nói tư lợi thì ngoảnh mặt đi, khi bàn việc công thì băng mình tới.
9. Thà chịu thiệt hại còn hơn làm điều hèn nhát, bất công.
10. Mục tiêu của võ sinh Judo là Nhân - Trí - Dũng.
Người học tập môn Judo khi còn được học ở võ đường hay khi đã vào đời phải luôn luôn ghi nhớ những điều tâm niệm để tu thân, hành xử việc đời và giúp ích cho xã hội.
Những điều răn dạy đó theo năm tháng đã khắc sâu vào tâm khảm, trở thành tính cách sống của các võ sinh Judo.
Nội dung 10 Điều Tâm niệm của Judo là dạy cho võ sinh về đạo đức, về lối sống hướng đến Chân thiện mỹ, đó là những đều mang tính Minh triết sâu sắc.
NGƯỜI TỰ TIN KHÔNG CẦN CHỨNG TỎ SỨC MẠNH CỦA MÌNH
Đầu năm 1967, văn hào John Steinbeck - người được Hàn lâm viện Thụy điển tặng giải Nobel văn học - đến thăm Viện Nhu đạo Quang trung ở Sài Gòn và có cuộc đàm thoại cùng Thượng tọa Giám đốc. Khi về nước, Ông có viết một bài về cuộc thăm viếng này, bài viết được đăng trên tờ báo Oakland, số ra ngày 23 tháng 2 năm 1967, đây là một tạp chí có uy tín của Hoa Kỳ. Bài báo có đoạn viết:
"Một trong những người được chú ý nhất, quan trọng nhất mà tôi được gặp ở Việt Nam là Thượng tọa Thích Tâm Giác. Ngài lãnh đạo khối Phật giáo ôn hòa, là người chủ trương cho xây dựng chùa Vĩnh Nghiêm, ngôi chùa lớn nhất ở Sài Gòn.
Thượng tọa Thích Tâm Giác là người trong sạch ở Việt Nam. Trong một quốc gia nhiều phức tạp, nhiều sân hận, Thượng tọa trở nên một nhân vật độc đáo như đài tưởng niệm Washington độc nhất của Hoa Kỳ".
Sau đây là nguyên văn mẫu đối thoại giữa văn hào và Thượng tọa:
- Bạch Thượng tọa, tôi rất ngạc nhiên khi Thượng tọa là một tu sĩ của hòa bình, tại sao Thượng tọa lại đi dạy võ, một hình thức chiến tranh giữa cá nhân và cá nhân?
- Tôi sống nhiều năm ở Nhật, người Nhật họ luyện tập Nhu đạo song song với học văn hóa. Người giỏi Nhu đạo không bao giờ đi gây lộn với kẻ khác, họ chẳng cần đánh nhau, bởi trong nội tâm họ không có sự tranh dành. Người tức giận là người không tự tin. Người tự tin không cần chứng tỏ sức mạnh của mình.
- Thượng tọa mở trường dạy võ có thức tỉnh một số người không?
- Có thể, nhưng thức tỉnh hay không là việc của họ. Khi tôi về nước, đồng bào tôi chưa biết hòa bình là gì, lòng tin của con người bị tàn phá theo chiến tranh, mọi người trở nên nghi ngờ lẫn nhau… Những thanh thiếu niên nam nữ chưa từng vướng vào tình trạng trên là những người tôi muốn nâng đỡ…
Cuộc đối thoại này mang lại cho chúng ta một bài học nhân sinh sâu sắc: Người có niềm tin không cần phải chứng minh. Người giỏi toán họ chỉ cần nhìn qua đề bài là biết ngay đáp số, người giỏi võ họ rất hạn chế việc đánh nhau bên ngoài võ đường, vì trước khi sử dụng đến võ thuật họ biết trước hậu quả của sự việc sẽ đi đến đâu. Chỉ những người thiếu niềm tin vào bản thân mình mới hay chứng minh, hay thể hiện.
Dạy Nhu đạo là để tạo NIỀM TIN cho lớp trẻ, là để gieo hạt giống hòa bình vào cuộc đời. Đây là tư tưởng của bậc Minh triết.
Tác giả LÊ THANH VĨNH