Ở miền Nam Việt Nam trước 30-04-1975, thể chế Việt Nam Cộng Hòa sử dụng từ "giáo sư" dành cho những người dạy học, ví dụ những Thầy, Cô dạy tiểu học gọi là giáo sư tiểu học...
Như vậy Giáo sư Nhu Đạo là một chức danh nghề nghiệp dành cho những người dạy môn Nhu Đạo. Một môn sinh Nhu Đạo đạt trình độ huyền đai trở lên, có tư cách đạo đức tốt và năng lực, uy tín chuyên môn thì sẽ được cử đi học 1 khoá Giáo sư Nhu Đạo do Tổng cuộc Nhu Đạo Việt Nam tổ chức, sau khi vượt qua kỳ thi thì sẽ được cấp Văn bằng Giáo sư Nhu Đạo.
Như vậy chúng ta cần hiểu Giáo sư Nhu Đạo là một chức danh nghề nghiệp, tương tự như chức danh nghề nghiệp hiện nay là Hướng dẫn viên, Huấn luyện viên, Huấn luyện viên chính và Huấn luyện viên cao cấp. Xin chớ hiểu nhầm khái niệm "giáo sư" ngày nay là một học hàm do Nhà nước phong cho các vị tiến sĩ đạt đầy đủ các tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đào tạo...
Lại có một quy định "đặc biệt" của Tổng cuộc Nhu Đạo Việt Nam trước 30/04/1975 rằng: khi một môn sinh đạt Văn bằng Giáo sư Nhu Đạo sẽ không được thi đấu để giữ gìn phẩm chất, đạo đức và hình ảnh trang nghiêm của 1 vị giáo sư. Thế nên có lúc Cố lão võ sư Nguyễn Hữu Huy xin trao trả lại Văn bằng Giáo sư Nhu Đạo của mình để có thể đại diện quốc gia thi đấu tranh tài tại các Kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á SEAP Games.
Vì sự tôn trọng hiện thực lịch sử, nên trong trang Hồi ức Nhu Đạo này, chúng tôi vẫn sử dụng từ "Giáo sư" dành cho các vị đại lão, lão sư đã góp phần xây dựng và phát triển Nhu Đạo Việt Nam. Tuy nhiên xin chớ hiểu nhầm đây là "học hàm" của các Vị như cách hiểu phổ biến ngày nay về từ "Giáo sư"
 |
Nguồn ảnh minh hoạ: Văn bằng và Thẻ Giáo sư Nhu đạo của Ông Đào Đông. |
 |
Nguồn ảnh minh hoạ: Văn bằng và Thẻ Giáo sư Nhu đạo của Ông Đào Đông. |