Ông Vĩnh Judo

Không chỉ giỏi võ khi tạo ra dấu ấn lịch sử đưa Việt Nam lần đầu tiên xếp hạng Nhất tại kỳ SEA Games, ông còn giỏi cả văn khi... vẽ logo cho Liên đoàn Judo Việt Nam (Vietnam Judo Association - VJA).

Đã U80, nhưng võ sư Lê Thanh Vĩnh thành thạo với việc viết trên máy vi tính. Ảnh: Lục Tùng

Tìm “ngọc trong đá”


Căn nhà nhỏ lẩn khuất ở ngoại ô TP.Sa Đéc (Đồng Tháp), nhưng tôi dễ dàng tìm ra từ ngay câu hỏi đầu tiên: Nhà ông Vĩnh Judo...

Trước mặt tôi, võ sư Vĩnh là ông lão nhỏ người, gân guốc. Đã U80 (sinh năm 1945), nhưng vừa nghe nhắc đến hai chữ Judo, những ký ức xưa bỗng cuồn cuộn hiện về - như cái không khí vang dội tại nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (TP.HCM) cách đây gần 20 năm.

Khi đó, những học trò ông huấn luyện đã làm nên lịch sử, đưa Judo Việt Nam lên vị trí số 1 tại Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 (SEA Games 22). “Nhà thi đấu như nổ tung bởi sự phấn khích trước thành công vượt mong đợi của các võ sĩ Judo Việt Nam khi 1 ngày mang về 3 HCV” - giọng ông Vĩnh bồi hồi. “Đêm thi đấu cuối, tôi mừng đến rớt nước mắt khi chỉ 29 giây Nguyễn Thị Dinh quật ngã Karen Ann Solomom (Philippines) bằng đòn hông để mang về HCV hạng cân 70kg nữ. Với chiến thắng này, Judo Việt Nam giành tổng cộng 13 huy chương (6 HCV, 1 HCB, 6 HCĐ)”.

Võ sư Lê Thanh Vĩnh trong buổi huấn luyện võ sĩ Nguyễn Thị Như Ý. Ảnh: Lục Tùng

Đáng tự hào hơn khi 13 võ sĩ do ông trực tiếp huấn luyện đã giành được 10 huy chương (5 HCV, 1 HCB, 4 HCĐ). Sở dĩ chúng tôi nói đáng tự hào, vì đây là 13 võ sĩ chưa từng được đánh giá cao và phải tiếp nhận trong tình thế “chẳng đặng đừng”.

Chuyện là, trong lần thứ 2 đưa võ sĩ ra nước ngoài tập huấn trước thềm SEA Games, lãnh đạo VJA đã chia VĐV thành 3 đoàn. Và như để “thử lửa” HLV Trưởng đội tuyển Judo quốc gia đến từ tỉnh lẻ Đồng Tháp, ông Vĩnh được giao 13 võ sĩ chưa có thành tích cao đi tập huấn ở Trung Quốc. Trong khi đó, các võ sĩ tiềm năng nữ thì tập huấn tại Nhật, và võ sĩ tiềm năng nam thì tập huấn tại Hàn.

“Lúc đó tôi cũng lo, nhưng cố đè nén vào lòng, không để lộ ra để tạo khí thế cho học trò” - ông Vĩnh bùi ngùi. Thế nhưng, bản lĩnh, lòng yêu nghề đã giúp ông biến những điều tưởng chừng như không thể thành có thể: Mài dũa những tảng đá thô thành viên ngọc lấp lánh và hơn thế nữa.

Bởi không chỉ đạt 10 huy chương, nhiều võ sĩ do ông trực tiếp hướng dẫn còn làm nên chiến thắng kỳ diệu. Chưa đầy 10 giây sau tiếng còi khai cuộc trận chung kết hạng cân 60kg nam, Nguyễn Linh Sơn - chàng trai Hà Nội đã tung đòn Uchimata hạ Ippon võ sĩ Aristotle Lucero (Philippines) giành HCV. Đây không chỉ là chiến thắng “thần tốc”, mà còn là chiến thắng lịch sử vì 10 năm sau chiến thắng của Quốc Trung tại Singapore, Judo Việt Nam mới trở lại đăng quang hạng cân này.

Võ sư Lê Thanh Vĩnh viết thư pháp Việt. Ảnh: Lục Tùng

Tuy nhiên, với người Đồng Tháp, ông còn hơn cả “ngôi sao” Judo. Không chỉ khai sinh môn võ Judo cho đất Sen Hồng, ông còn biến những chàng trai, cô gái xứ bưng biền thành “ngôi sao sáng” của làng Judo quốc gia và khu vực. Nhiều học trò của ông còn vươn ra khẳng định đẳng cấp ở cấp khu vực (SEA Games), như: Huỳnh Nhất Thống (4 HCV), Hồ Ngân Giang (2 HCV), Trần Thị Bích Trầm (1 HCV)...

Riêng Nguyễn Thị Như Ý, ngoài 4 HCV SEA Games, còn đoạt thêm 2 HCV Giải Judo Quốc tế TP. HCM mở rộng. Trong đó, có trường hợp, ông đóng vai trò như “bà đỡ”. Điển hình là trường hợp của Nguyễn Thị Như Ý. Bị bộ môn điền kinh thanh lý hợp đồng ở tuổi 18, cái tuổi quá muộn để bắt đầu môn thể thao thành tích cao, nhưng với nhãn quan của một Judoka (người tập Judo), ông đã nhận ra những tố chất tiềm ẩn bên trong cô gái quê này. Không chỉ quyết định nhận, ông còn dành cho Như Ý nhiều chăm lo: Tặng võ phục, bỏ tiền túi hỗ trợ và tặng xe đạp để cô học trò nghèo có điều kiện đến trung tâm luyện tập.

Để “rút ngắn khoảng cách”, bên cạnh kỹ thuật cơ bản, ông truyền cho Như Ý những “ngón nghề” tích lũy được trong thời gian thi đấu với cương vị tuyển thủ quốc gia. Nhờ đó, chỉ sau 1 năm luyện tập, Như Ý đã đoạt ngay HCĐ tại Giải trẻ toàn quốc (2000), đoạt luôn HCV tại Giải Judo toàn quốc ở hạng cân 63kg vào năm 2001. Liên tiếp hơn 15 năm sau, Như Ý gần như “độc cô cầu bại” ở hạng cân này tại các giải vô địch Judo quốc gia.

Nhà võ “vẽ hồn” Judo Việt


Không chỉ góp công đưa Judo Việt Nam vươn ra “biển lớn”, ông còn đưa Judo Việt hòa nhập quốc tế thể hiện qua chiều sâu ý nghĩa mà ông gửi gắm vào logo của VJA. Chuyện xảy ra vào hè năm 1994. Khi đang hướng dẫn 8 võ sinh Judo Đồng Tháp lên TP.HCM dự Giải Judo trẻ toàn quốc, bất ngờ ông Vĩnh được đích thân Chủ tịch VJA lúc đó là Hoàng Việt Hùng đến tận nhà khách của Trường THPT Năng khiếu TDTT (số 43 đường Điện Biên Phủ, Đa Kao, Q.1) nơi đơn vị đóng quân nhờ vẽ logo cho VJA để sáng mai trình lên Ban chấp hành xét duyệt với lý do rất trân trọng “người của Judo lại biết hội họa...”.

“Thật tình lúc đầu tôi rất bất ngờ và định không nhận lời vì giải ngày mai đã khởi tranh, tôi còn nhiều chuyện phải lo lắm vì học trò tôi thì mới tập được một năm… Nhưng khi thấy anh Hùng tâm huyết đến mức đưa cho tôi xem một số mẫu logo đã nhờ người ta vẽ nhưng chưa vừa ý, thì tôi không thể từ chối nữa” - ông Vĩnh nhớ lại.

Ra chợ Đa Kao tìm nhà sách mua giấy, màu, cọ, compa, thước, bút chì; về phòng ngồi phác thảo một số mẫu, ông Vĩnh cặm cụi ngồi vẽ đến 12 giờ đêm, rồi hoàn thành được một mẫu ưng ý. Sáng hôm sau, ông trình bản vẽ kèm giới thiệu sơ lược, ông Hùng bày tỏ tâm đắc, bắt tay cám ơn...

“Hình ảnh này nói lên tinh thần đoàn kết bảo vệ màu cờ sắc áo của Tổ quốc Việt Nam" - ông Vĩnh nhấn mạnh. "Hơn thế nữa, cả 3 võ sinh nằm trên nền hình hoa Bách hợp 8 cánh màu đỏ - biểu tượng của Judo thế giới nên còn có ý nghĩa về tinh thần luôn rộng mở trong liên kết, hội nhập, hòa nhập của Judo Việt Nam với thế giới và ngược lại. Riêng chữ “Việt Nam Judo” được thiết kế màu trắng, tượng trưng cho sự trung thực, trong sáng. Bao quanh là nền màu xanh, tượng trưng cho sức trẻ và khát vọng vươn lên...”.

Logo VJA đang sử dụng là tác phẩm do võ sư Lê Thanh Vĩnh sáng tác. Ảnh: Lục Tùng

Tuy nhiên, do những hạn chế của lịch sử, sự việc này không được sách báo ghi nhận, nên gần như không nhiều người biết võ sư Vĩnh là tác giả logo VJA... Trong khi đó, bản thân ông Vĩnh, do những lý do riêng cũng chỉ muộn màng biết được đứa con tinh thần của mình.

“Sau giải Judo trẻ, tôi đưa học trò về lại Đồng Tháp. Mãi nửa tháng sau, có việc lên TP.HCM ghé qua cửa hàng Tân Việt mua một số võ phục cho học trò, thấy logo trên áo Judo là bản vẽ do tôi sáng tác, mới biết đứa con tinh thần của mình đã được VJA chọn” - ông Vĩnh nhớ lại. Sau đó, do những lo toan trong cuộc sống, ông Vĩnh chưa có điều kiện làm “lý lịch” cho đứa con tinh thần của mình... Còn ông Hùng, nhân chứng trực tiếp, giờ đã là người thiên cổ....

Logo của VJA - chuyện tưởng như rơi vào ngõ hẹp, thì may mắn thay, hậu duệ của những quan chức Judo lúc đó biết được sự việc này. Ông Lý Đại Nghĩa - đương kim Phó Chủ tịch VJA, là con của ông Lý Thành Tâm (Tổng thư ký VJA lúc bấy giờ) - xác nhận với Lao Động: “Võ sư Lê Thanh Vĩnh là tác giả của logo VJA đang sử dụng. Tinh thần, khí phách mà võ sư Vĩnh gửi gắm vào tác phẩm đều lưu giữ đến ngày nay”.

Dù chưa được lịch sử ghi nhận cũng như tri ân đúng tầm vóc, nhưng khi được hỏi, ông Vĩnh chỉ nhẹ nhàng: “Nhìn các võ sinh trên các phòng tập, các võ sĩ ra sân thi đấu ở các giải trong và ngoài nước đều có mang logo Judo Việt Nam, tôi thấy vui với lòng mình lắm rồi”. Ngay cả khi thua thiệt, ông Vĩnh vẫn tìm cho mình sự thản nhất để hài hòa với mọi người. Đúng là khí phách của võ sư Nhu đạo.

Võ sư Judo Lê Thanh Vĩnh (lục đẳng), từng 10 năm giữ vai trò chủ biên báo Thể thao Đồng Tháp và tác giả của nhiều sách về võ thuật, như: Judo phương pháp ôn đòn; Căn bản Judo; Biến thế Judo; Judo liên phản đòn; Judo Kata.

Lục Tùng

top
Contact Me on Zalo
0906.799.838